Nhắc đến mùa hè, các “tín đồ” ẩm thực không thể nào bỏ qua các món chè thanh mát, giải nhiệt như chè đậu đen, chè bưởi… Trong đó, món chè trôi nước với những viên chè tròn trịa dẻo mềm, thơm ngon, đẹp mắt là món chè được rất nhiều người yêu thích. Hôm nay, cùng Ghiền nấu ăn vào bếp thực hiện ngay cách nấu chè trôi nước này nhé!
1. Cách làm chè trôi nước hoa đậu biếc
1.1 Nguyên liệu và cách chọn mua
Nguyên liệu làm chè trôi nước hoa đậu biếc
- Hoa đậu biếc: 100 gr
- Bột nếp: 200 gr
- Đường: 270 gr
- Bột năng: 1 muỗng canh
- Tinh dầu bưởi: 30 ml
- Lạc rang (bóc vỏ): 50 gr
- Vừng: 1 ít
Cách chọn mua hoa đậu biếc tươi
- Chọn mua những bông hoa còn nguyên vẹn, đã nở rộ, có màu xanh ngả tím thẫm nhạt dần từ phần đầu đến cuống hoa và có mùi thơm nhẹ.
- Tránh chọn mua hoa đã bị dập nát, màu sắc không đồng đều, có mùi hôi lạ vì đó là những bông hoa kém chất lượng, khi nấu sẽ không cho ra màu đẹp.
- Ngoài ra, nếu không có hoa đậu biếc tươi, bạn có thể thay thế bằng hoa đậu biếc khô mua tại các siêu thị hay chợ truyền thống. Khi mua bạn nên xem kỹ nguồn gốc xuất xứ, bao bì nhãn mác còn nguyên vẹn hay không để tránh mua phải hàng kém chất lượng nhé.

1.2 Các bước thực hiện nấu chè trôi nước hoa đậu biếc
Bước 1: Luộc hoa đậu biếc
Hoa đậu biếc mua về, bạn đem đi rửa sạch với nước rồi để ráo.
Bắc nồi lên bếp, cho vào nồi 400ml nước lọc, 100gr hoa đậu biếc. Tiến hành đun sôi trong vòng 15 phút cho đến khi nước trong nồi chuyển sang màu xanh tím đẹp mắt thì tắt bếp, nhấc nồi xuống và để nguội.


Bước 2: Nhào bột và vo viên
Cho vào tô 200gr bột nếp cùng nước hoa đậu biếc vừa mới lọc được. Sau đó, bạn trộn và nhào bột đều tay cho đến khi bột quyện lại thành khối và không dính vào tô nữa là được.
Kế đến, lấy một lượng nhỏ bột vừa đủ cho vào lòng bàn tay, dàn ra và cho nhân lạc rang vào (số lượng tùy sở thích) rồi vo tròn kín viên bột lại.
Bạn tiếp tục vo viên cho đến khi hết bột nhé.




Bước 3: Luộc viên chè
Bắc nồi lên bếp, cho vào nồi một lượng nước gần bằng 2/3 chiều cao của nồi rồi tiến hành đun sôi.
Khi nước đã sôi, bạn thả từng viên chè đã nặn vào nồi và tiếp tục đun cho đến khi các viên chè nổi lên trên mặt nước.
Sau đó, vớt chè ra và cho tất cả vào một tô nước mát đã chuẩn bị sẵn trước đó.
Mách nhỏ: Trong quá trình luộc chè, bạn không nên để lửa quá to vì có thể làm cho viên chè chỉ chín bên ngoài chứ bên trong còn sống.




Bước 4: Nấu nước đường
Lấy 1 muỗng canh một năng hòa cùng 1/2 chén nước lọc rồi khuấy đều cho bột tan hết.
Bắc nồi lên bếp, vặn lửa vừa, cho vào nồi 700ml nước lọc, 270gr đường, 30ml tinh dầu bưởi rồi khuấy đều tay cho đến khi đường tan hết.
Sau đó, cho nước bột năng đã chuẩn bị ở trên vào nồi và tiếp tục khuấy đều trên lửa nhỏ cho đến khi hỗn hợp trong nồi hơi sệt lại là được.




Bước 5: Thành phẩm
Xếp từng viên chè trôi nước hoa đậu biết vào tô, rưới từ từ nước đường lên trên sao cho ngập hết chè rồi cho thêm một ít vừng vào nữa là hoàn thành.
Chè trôi nước hoa đậu biếc có một màu xanh đẹp mắt của hoa đậu biết. Nước đường ngọt vừa phải, thấm đều lên từng viên chè mềm dẻo thơm ngon.
Ăn một viên chè, bạn sẽ cảm nhận được sự mềm mềm dẻo dẻo của bột nếp, vị béo béo của đậu phộng rang kèm theo đó là một mùi vừng thơm phảng phất, ăn cực ngon.
Món chè này mà đem ra đãi bạn bè vào những dịp lễ, gặp nhau cuối tuần thì còn gì bằng!


2. Cách nấu chè trôi nước lá cẩm
Chè trôi nước lá cẩm là một trong những món ăn trong mỗi dịp Tết Hàn Thực. Được nhiều người biết đến và yêu thích bởi hương vị thanh mát, ngọt bùi và mềm dẻo từ vị nước dùng đường mật ngọt ngào.
2.1 Nguyên liệu cần chuẩn bị
Bạn cần đảm bảo mua đủ các nguyên liệu dưới đây để làm món chè trôi nước lá cẩm thơm ngon
- 400g bột nếp để làm vỏ bánh
- 200g đậu xanh để làm nhân bánh
- Lá cẩm tươi hoặc bột lá cẩm để tạo màu cho bánh
- Đường nâu hoặc đường mật mía
- 80g gừng tươi
- 50g đậu phộng và dừa bào sợi để trình bày cho món ăn hấp dẫn hơn
Nguyên liệu cần chuẩn bị
2.2 Cách bước nấu chè trôi nước lá cẩm
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu làm chè
Phần vỏ bánh:
Rửa sạch lá cẩm tươi, đun sôi khoảng 300ml nước, bỏ lá cẩm vào đun tiếp khoảng 5 phút đến khi nước chuyển sang màu tím thì tắt bếp.
Sau đó bỏ hết phần lá chỉ giữ lại phần nước. Nếu không tìm được lá cẩm tươi thì bạn có thể sử dụng bột lá cẩm pha với nước để thay thế.
Đổ từ từ phần nước lá cẩm đã đun trước đó vào 400g bột nếp đã chuẩn bị và nhào đều tay để bánh mềm mịn, không bị vón cục và có độ dẻo tự nhiên. Sau đó, lấy màng bọc thực phẩm bọc lại phần bột và cho bột nghỉ khoảng 15′ – 20′ để giúp bánh có độ dẻo khi luộc chín.
Phần nhân bánh:
Sau khi ngâm 200g đậu xanh trong khoảng 30 phút, cho hết phần đậu xanh này vào nồi và thêm nước rồi nấu cho tới khi đậu chín mềm. Tiếp đến, cho khoảng 50g đường vào hỗn hợp đậu xanh nấu chín và đảo liên tục để hỗn hợp nhuyễn mịn. Lúc này, bạn có thể tắt bếp và chờ phần chè này nguội hẳn rồi nặn thành từng viên tròn nhỏ vừa ăn, bỏ riêng ra đĩa để chuẩn bị gói bánh.
Bước 2: Nấu chè
Sau khi phần vỏ bánh và phần nhân đã được chuẩn bị xong, bạn phủ một lớp bột mỏng lên phần vỏ bánh để tiếp tục nhào và chia thành từng viên nhỏ. Tiếp theo, dàn mỏng từng viên bột, cho phần nhân đậu xanh đã viên tròn nhỏ vào chính giữa và tiếp tục vo tròn để tạo hình cho bánh trôi.
Đun sôi một nước lớn và thả từng viên bánh trôi vào, luộc bánh cho tới khi bánh nổi hoàn toàn lên trên mặt nước là bánh đã chín. Trước đó, chuẩn bị sẵn một bát nước lạnh, để sau khi bánh chín, vớt bánh ra và bỏ ngay vào phần nước lạnh để giúp bánh giữ được độ mềm dai tự nhiên.

Tiếp theo là nấu phần nước dùng chè, tiến hành đun tan phần đường thốt nốt hoặc đường mật mía để tạo vị và màu nâu sẫm cho món chè thêm bắt mắt. Trong quá trình nấu nước dùng chè, bỏ thêm phần gừng đã thái sợi để món chè có mùi thơm và tiếp tục đun cho tới khi sôi thì tắt bếp.
Bước 3: Trình bày món chè
Sau khi bánh đã chín và nồi nước dùng đã hoàn thành, sẽ đến phần trình bày thành quả món chè trôi nước lá cẩm. Cho từng viên bánh trôi nước vào bát, sau đó đổ từ từ phần nước dùng nóng hổi vào và cho thêm phần đậu phộng đã rang chín và dừa bào sợi lên trên để trang trí.

Món chè trôi nước lá cẩm có màu tím rất hấp dẫn, nước dùng thanh ngọt, kết hợp với vị thơm thơm béo ngậy, dẻo ngon của bánh trôi cùng nhân đậu xanh mềm. Tất cả sẽ tạo nên một hương vị của món chè trôi nước rất độc đáo.
Cách nấu chè trôi nước lá cẩm không hề khó, chỉ cần bạn dành một chút thời gian trong ngày là có thể hoàn thiện một món ăn vừa có vị ngon lại vừa đẹp mắt. Hãy nhanh tay vào bếp trổ tài thử món chè trôi nước lá cẩm để cả nhà cùng thưởng thức bạn nhé!
3. Cách làm chè trôi nước khoai mỡ tím
Khoai mỡ hay còn được gọi là khoai tím, khoai vạc,… được trồng nhiều ở nước ta. Với giá trị dinh dưỡng cao, hỗ trợ cải thiện sức khoẻ cho con người nên các món ăn từ khoai mỡ cũng được nhiều người đón nhận. Hôm nay, Ghiền nấu ăn sẽ hướng dẫn bạn cách nấu chè trôi nước khoai mỡ tím nhé.
3.1 Nguyên liệu và dụng cụ
Nguyên liệu
- Bột nếp……………………………………………………………………………………………200gr
- Đậu xanh bóc vỏ…………………………………………………………………………………150gr
- Khoai mỡ…………………………………………………………………………………………200gr
- Đậu phộng…………………………………………………………………………………………50gr
- Đường……………………………………………………………………………………………250gr
- Gừng………………………………………………………………………………………………10gr
- Nước cốt dừa………………………………………………………………………………………350ml
- Bột bắp………………………………………………………………..…………………1 muỗng cà phê
- Muối…………………………………………………………….…………………………………… một ít
Cách chọn mua khoai mỡ ngon
- Chọn củ có vỏ tối màu, càng tốt màu càng tốt, để đảm bảo được khoai đã già, có nhiều chất dinh dưỡng nhất.
- Hãy lấy những củ khoai có hình dáng suôn dài, bấm tay vào thấy cứng thì chọn vì củ đó sẽ rẩ chắc và dẻo
- Không nên chọn những củ khoai mỡ bị méo mó, bấm tay vào thân củ bị chảy ra nước nhớt chứng tỏ củ khoai còn non, nên tránh chúng ra.

3.2 Các bước nấu chè trôi nước khoai mỡ tím
Bước 1: Sơ chế và luộc khoai mỡ
Cho 150g đậu xanh bóc vỏ ngâm trong nước khoảng 2 tiếng đồng hồ, để đậu được mềm, nấu dễ chín.

Gừng cắt sợi mỏng, nhỏ. Khoai mỡ gọt vỏ ngoài, rửa sạch và cắt từng khoanh nhỏ, dày khoảng 1cm.

Cho khoai vào nồi hấp khoảng 15 phút. Nhà nào không có nồi hấp thì bạn cũng có thể luộc khoai. Nhưng mình vẫn khuyến khích các bạn hấp nhé.

Sau khi hấp chín khoai, dùng nĩa để tán nhuyễn khoai ra thật mịn.

Mách nhỏ: để xác định chính xác khoai đã thực sự chín hay chưa, bạn có thể dùng cây đũa đâm vào khoanh khoai để cảm nhận nhé.
Bước 2: Trộn và ủ bột
Cho 10g đường, 200g bột nếp vào khoai mỡ và trộn thật đều.
Đổ 50ml nước sôi (bạn đun nước thật sôi nhé) từ từ vào tô chứa khoai mỡ, vừa đổ nước sôi vừa trộn đều tay.
Sau đó, bạn vo bột thành 1 viện bự, dùng màn bọc thực phẩm bọc kín tô để cho bột nghỉ.
Bước 3: Làm nhân bánh
Đậu xanh sau khi đã ngâm, vo sạch, cho vào nồi. Cho 500ml nước vào nồi, nấu khoảng 20 phút chi đậu mềm, chín nhừ.
Xay nhuyễn đậu xanh với 50ml nước cốt dừa, 30g đường và một ít muối. Bật bếp nhỏ lửa để sên đậu lại cho khô, đảo đều tay để đậu ở phần dưới đáy nồi không bị khét. Khi đậu khô một tí, cho thêm ít dầu ăn vào và sên đến khi đậu khô.

Viên đậu xanh thành những hình tròn có kích thước nhỏ vừa ăn.
Bước 4: Nấu chè
Vo bột thành những viên hình tròn, kích thước tương đương với viên đậu. Nắm bánh dẹp dẹp ra, cho viên đậu xanh vào giữa rồi gói lại, vo tròn cho đến khi đậu xanh nằm gọn trong vỏ bánh.

Bỏ các viên bột vào luộc trong nồi nước sôi. Khi các viên bột nổi lên nghĩa là nó đã chín. Tắt bếp, vớt các viên bột ra, cho ngay vào tô nước lạnh khoảng 5 phút rồi lấy ra, để ráo nước.
Bước 5: Nấu nước cốt dừa và rang đậu phộng
Cho 600ml nước vào nồi, đun lên, cho 130g đường cát (có thể thay bằng đường thốt nốt tuỳ sở thích), nấu cho tan hết đường.
Cho hết 10g gừng đã cắt sợi vào nồi, đợi sôi thì cho chè vào. Đến khi sôi lại thì tắt bếp.
Đun hỗn hợp 300ml nước cốt dừa, 20g đường và một ít muối với lửa nhỏ. Cho thêm hỗn hợp 1 muỗng cà phê bột bắp và 2 muống cà phê nước vào đun cùng nước cốt dừa. Khuấy đều cho đến khi nước cốt sệt lại và để nguội.

Cho 50g đậu phộng vào chảo rang, cho một ít muối vào rang cùng. Đến khi đậu phộng vàng thì để muội, bóc vỏ và giã nát 1 phần.

Bước 6: Thành phẩm
Múc chè ra tô, rắc đậu phộng lên trên, cho thêm ít nước cốt dừa vào. Vậy là chúng ta đã có thể thưởng thức một ly chè trôi nước khoai mỡ tím cực ngon và bổ dưỡng.

Lớp bột màu tím mềm mềm, dai dai và có mùi vị khoai mỡ, sâu vào trong là vị ngọt vừa ăn, hơi béo béo của nhân đậu xanh, kết hợp với đậu phộng bùi bùi, thơm phảng phất của gừng, tất cả tạo nên một hương vị đặc trưng riêng biệt của chè khoai mỡ tím.
Mẹo nấu chè trôi nước khoai mỡ tím
- Chè trôi nước khoai mỡ tím sẽ ngon nhất nếu bạn ăn liền trong ngày. Nếu ăn còn thừa, hãy bỏ vào ngăn mát tủ lạnh 2 – 3 ngày để món ăn không bị hỏng.
- Khẩu vị của từng người là khác nhau, bạn có thể điều chỉnh lượng đường so với công thức để món ăn phù hợp với bản thân và gia đình hơn nhé.
Chè trôi nước khoai mỡ tím là món ăn khá đơn giản để nấu tại nhà. Với công dụng tuyệt vời của món ăn này, bạn đừng ngần ngại mà nấu cho cả gia đình mình thưởng thức nhé. Ghiền nấu ăn chúc bạn sẽ thành công với món chè và chia sẻ công thức này đến nhiều người hơn nữa.
4. Cách làm chè trôi nước 7 màu
4.1 Nguyên liệu và dụng cụ
Nguyên liệu:
- Bột nếp
- đường mật
- khoai lang tím
- thanh long đỏ
- cà rốt
- lá nếp (lá dứa)
- mè (vừng)
- gừng
- nước cốt dừa.
Dụng cụ
- Nồi
- Da
- Rây lọc hoặc túi vải lọc
- Tô, dĩa
- Máy xay sinh tố
Cách chọn mua khoai lang tím ngon
- Chọn những củ khoai lang bên ngoài lành lặn, không bị nứt, sứt mẻ. Ưu tiên chọn những củ dáng tròn thay vì dáng dài, phần eo không bị lõm vào. Chọn những củ khi ấn vào không quá cứng vì đó là những củ ít xơ, nhiều bột và có vị ngọt bùi.
- Tránh nhầm lẫn khi bỏ qua những củ có lớp phấn hay đất bám bên ngoài, đó chính là những củ ngọt và bở.
- Hạn chế tối đa việc chọn khoai có đốm màu đen hoặc bị rỗ vì đó là dấu hiệu của khoai hỏng, bị côn trùng xâm nhập.

Cách chọn mua thanh long đỏ ngon, ngọt
- Đầu tiên, bạn nên để ý vỏ thanh long: nên chọn những quả có vỏ màu đỏ tươi, căng mọng, màu sắc đều.
- Để ý đến cuống – tai của thanh long: cuống – tai dai mềm, dễ uốn nắn, màu sáng nhẹ.
- Không chọn mua những quả bị dập nát, trên vỏ có chỗ thâm hay chỗ sậm màu vàng đậm hoặc nâu đen.

Cách chọn mua cà rốt ngon, chuẩn màu
- Chọn củ có hình dáng thẳng, trơn láng ở vỏ bên ngoài, màu cà rốt sáng, cầm trên tay thấy chắc, cứng, nặng.
- Không chọn củ có lá, cành ở gốc, phần vai của củ to, dày, đây thường là những củ cà rốt có lỗi lớn, củ ăn không ngọt, ít dưỡng chất.
- Không mua cà rốt có kích cỡ quá lớn, chúng thường có nhiều xơ, lõi ở giữa củ lớn, vị nhạt, ít vitamin cùng dưỡng chất.

Cách chọn mua lá nếp (lá dứa) thơm, chuẩn
- Bạn hãy chọn mua những lá nếp to, dài, có màu xanh lá đậm khi sử dụng sẽ lấy được màu xanh đậm, hương thơm nhiều hơn.
- Chọn những lá không quá già hoặc không quá non. Bạn thử uốn cong lá nếp. Nếu lá nếp quá giòn là lá già, lá nếp quá mềm, dễ dập là lá non.
- Không chọn mua những lá quá nhỏ, màu quá nhạt và tránh chọn mua những lá héo úa, có dấu hiệu bị sâu bệnh hay côn trùng cắn.

Bột nếp và đường mật mua ở đâu?
Hiện nay, bột nếp và đường mật sử dụng để nấu chè trôi nước được bán ở nhiều nơi. Bạn có thể mua trực tiếp ở các siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hóa. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể tìm mua trên các trang thương mại điện tử như: shopee, lazada, tiki, vinmart…
Về phần nước cốt dừa bạn có thể mua loại đóng hộp, mua ở các chợ truyền thống hoặc bạn hoàn toàn có thể tự làm nước cốt dừa tại nhà.Mè và gừng bạn có thể dễ dàng tìm mua ở các chợ hoặc cửa hàng bán thực phẩm.
4.2 Cách bước nấu chè trôi nước 7 màu
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu và trộn bột
Bạn rửa sạch các nguyên liệu: khoai lang tím, cà rốt, lá nếp, thanh long đỏ, gừng trước khi tiến hành sơ chế.
Dùng dao gọt vỏ khoai lang tím và cà rốt rồi đem rửa lại. Khoai lang tím bạn có thể thái thành những miếng nhỏ rồi bỏ vào nồi đã chuẩn bị nước, luộc trong khoảng 20 cho khoai chín nát. Với cà rốt sau khi được làm sạch, bạn thái nhỏ sau đó cho vào máy xay cùng 150ml nước lọc đến khi thấy cà rốt được nghiền nhỏ.
Lá nếp đã rửa sạch bạn có thể cắt nhỏ (1.5 – 2cm) cho vào máy xay cùng với 150ml nước lọc rồi xay nhuyễn.
Đối với thanh long đỏ, bạn cắt nhỏ cho thẳng vào một túi vải lọc hoặc dùng rây dùng muỗng để lấy nước màu.

Sau khi khoai lang tím chín, cà rốt được xay nhuyễn, lá dứa được nghiền nhỏ chúng ta dùng rây hoặc túi vải lọc đã chuẩn bị. Lọc từng nguyên liệu trên, lấy phần nước màu để vào mỗi chén riêng loại bỏ phần xát. (Khuyến khích dùng túi vải lọc để loại bỏ phần bã một cách tốt nhất nhé).
Riêng phần khoai lang tím, chia ra 3 chén khác nhau với tỉ lệ bằng nhau. Bạn dùng nửa quả chanh (bỏ hạt) vắt vào chén đầu tiên, chén thứ hai cho một ít bột baking soda, chén cuối cùng giữ nguyên. Sau đó, bạn sẽ thấy sự khác biệt về màu sắc ở 3 chén từ nước luộc khoai lang tím.
Sau khi chuẩn bị màu cho món chè trôi nước 7 màu, bạn bắt đầu trộn bột. Với 100g bột nếp dùng khoảng 80-85ml nước màu đã chuẩn bị ở trên, lần lượt trộn bột đều tay với nước màu.
Lưu ý: Tùy vào độ hút ẩm của từng loại bột, mà bạn có thể điều chỉnh lượng nước cho phù hợp.
Mỗi phần bột được nhào kĩ và trộn đều đến khi thấy khối bột dẻo, phao nhẹ, thử kéo ra thấy bột có độ đàn hồi xong bị bở, dễ đứt là bột đã đạt. Sau đó, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín, để bột nghỉ, ủ bột trong thời gian 3-4 tiếng.

Gừng bạn mang đi rửa sạch, cạo vỏ sau đó thái thành những sợi nhỏ cỡ cây tăm.
Bước 2: Cho đường vào vỏ bánh
Lấy phần bột đã nghỉ đủ, chia thành những phần vừa phải. Dùng ngón tay cái ấn xuống bột tạo thành 1 vòng trong vừa đủ rồi đặt viên đường mật vào giữa, vê tròn lại.(tùy vào sở thích của bạn muốn viên trôi nước của mình lớn hay bé để chia phần bột hợp lý).

Làm tương tự thao tác này với các phần bột còn lại cho đến hết. Lưu ý: Không tháo hết màng bọc của bột ra cùng một lúc, tránh hiện tượng bột bị khô, khó trong thao tác vê tròn đường mật.
Bước 3: Luộc bánh
Lấy 1 lít -1.5 lít nước đun đến khi sôi trên bếp, thả nhẹ nhàng những viên trôi nước đã được tạo hình vào đến khi thấy chúng nổi lên trên là chín. Trong lúc đun, bạn nên dùng đũa khuấy nhẹ để bánh không bị dính và cháy ở đáy nồi.

Sau khi thấy bánh nổi lên trên, đợi thêm 2-3 phút bánh sẽ nở phồng và chín hẳn. Dùng vợt vớt bánh ra, thả ngay vào tô nước đá để bánh không dính vào nhau. Đây cũng chính là “tuyệt chiêu” để món chè trôi nước của bạn không bị khô cứng ngược lại còn được dẻo mềm, hấp dẫn.
Bước 4: Chuẩn bị nước đường và nước cốt dừa
Cho khoảng 500ml nước vào nồi, cho thêm đường theo khẩu vị gia đình (có thể sử dụng đường tinh luyện nhưng khuyến khích bạn sử dụng đường thốt nốt để nón chè trôi nước bảy màu đúng chuẩn vị) đun sôi và cho gừng sợi đã sơ chế vào. Trong lúc đun, bạn nhớ dùng đũa khuấy đều cho đến khi đường tan hết thì tắt bếp.
Để món chè trôi nước tăng thêm phần kích thích vị giác của người ăn. Bạn phải “đặt tâm” vào lúc làm nước cốt dừa thơm ngon, béo ngậy. Nước cốt dừa bạn cho vào nồi đun lửa nhỏ trên bếp đến khi thấy sôi lăn tăn. bạn cho vào nửa muỗng cà phê muối rồi tắt bếp. Không để nước cốt dừa sôi mạnh.
Bước 5: Thưởng thức thành phẩm
Cho những viên trôi nước 7 màu căng tròn vào bát con, múc nước đường gừng chan đều khắp tiếp đến là 1-2 muỗng nước cốt dừa ở phía trên, rắc thêm chút hạt mè (vừng) lên trên cùng. Bạn nên thưởng thức chè trôi nước lúc nóng để cảm nhận trọn vẹn vị ngon của món chè được xem là “Tinh hoa ẩm thực Việt”.
Hương ấm nóng, thơm của gừng, vị ngọt thanh của đường mật cùng với sự bùi bùi dẻo thơm của những viên bánh trôi nước nhiều màu sắc khác nhau. Một món chè đầy tâm huyết và sự tinh tế!
Chúc bạn thành công để chiêu đãi cho gia đình mình một món ăn đầy mĩ vị này nhé!
Mẹo bảo quản món chè trôi nước
Nhiều chị em băn khoăn không biết nên bảo quản như thế nào mới đúng cách khi không sử dụng hết chè trôi nước trong ngày. Chúng tôi khuyến khích bạn nên dùng chè trôi nước nấu xong ngay trong ngày. Nếu không dùng hết bạn có thể đậy kín, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh có thể để được 2 – 3 ngày. Khi dùng thì mang ra hâm nóng lại.
5. Cách nấu chè trôi nước lá dứa thơm ngon
5.1 Nguyên liệu và dụng cụ
Nguyên liệu
- Bột gạo nếp….. 200g
- Bột năng….. 1 thìa canh
- Nước nóng….. 130ml
- Nước cốt dừa….. 400ml
- Đường….. 40g
- Muối….. ¼ thìa cà phê
- Vừng rang
- Đường mật dạng viên nhỏ.
- Lá dứa.

Dụng cụ
- Nồi to
- Vợt vớt bánh
- Bát đựng
- Thìa
- Thau nước lạnh
5.2 Các bước nấu chè trôi nước lá dứa
Bước 1: Trộn bột và nặn bánh
- Lấy 200g bột nếp nhào mịn với 130ml nước nóng (nước đã đun sôi để hơi nguội 1 tí).Nhào đều tay tránh để bột bị vón cục. Nhào đến khi nào bột mịn thành một khối sờ không bị dính tay là được.
- Lấy 1 cục bột nhỏ sao cho vừa với kích thước viên chè mà mình mong muốn se tròn, ép dẹp rồi bỏ viên đường mật vào giữa rồi chúng ta tiếp rục se tròn sao cho phần bột nếp phủ kín viên đường. Bạn cứ nặn cho đến khi nào hết số bột và số đường mật đã chuẩn bị.

Bước 2: Luộc bánh
- Đặt 1 nồi nước lên bếp đun sôi, khi nước sôi bạn để lửa vừa rồi thả từ từ từng viên chè trôi đã nặn vào đun đến khi viên chè nổi lên tầm 5-7 phút tùy thuộc vào kích thước viên chè.
- Sau khi viên chè nổi lên vớt ra cho vào thau nước lạnh đã chuẩn bị từ trước tầm 3-5 phút rồi vớt ra cho vào bát.

Bước 3: Nấu nước cốt dừa
Cho 400ml nước cốt dừa, 40g đường, ¼ thìa cà phê muối cùng một ít lá dứa vào nồi để tạo hương thơm. Đun đến khi hỗn hợp sôi thì vớt phần lá dứa ra, đồng thời lấy 1 chén nhỏ hòa tan 1 thìa canh bột năng cùng với 2 thìa canh nước lọc đổ vào nồi nước cốt dừa để tạo độ sánh mịn. Sau đó nêm nếm cho phù hợp với khẩu vị của gia đình mình rồi tắt bếp.
Bước 4: Thành phẩm
Sau khi hoàn thành bạn chỉ cần lấy chén đã đựng viên chè trôi trước đó rồi rắc 1 ít mè rang lên bên trên là có thể thưởng thức được rồi!
