Bật mí cách bảo quản Sâm Đất tươi và khô đúng cách
Sâm đất, khoai sâm hay Hoàng Sin Cô là gì? Có tác dụng gì? Sao nghe tên lạ thế. Lần đầu mới biết đến. Khoai sâm giống khoai lang à? Nếu độc giả đã thành tâm muốn biết thì Ghiền Nấu Ăn đã sẵn lòng trả lời. Trong bài viết này, hãy cùng Ghiền Nấu Ăn tìm hiểu về tên gọi, những thông tin cực kỳ hữu ích và đặc biệt là những cách bảo quản loại “củ vàng” vùng cao này nhé!
1. Sâm Đất là gì?
Củ sâm đất thường được biết với tên gọi khác là Yacon hoặc Hoàng Sin Cô, khoai sâm. Thoạt nhìn, sâm đất có hình dáng giống khoai lang nhưng bên trong lại có màu vàng nhạt, khi ngửi thì sẽ thấy mùi hơi giống nhân sâm; ăn sống thì sẽ thấy vị ngọt mát, nhiều nước; khi nấu canh thì dẻo thơm cực kỳ.

Cây sâm đất là cây thân thảo thường mọc hoang, sống lâu năm và có nguồn gốc từ Tây Tạng, Trung Quốc. Sâm đất du nhập vào Việt Nam từ những năm 1990, được trồng nhiều nhất ở các vùng núi phía Bắc, nơi có không khí lạnh như Y Tý, Lào Cai, SaPa, Hòa Bình, … cho năng suất, chất lượng cao và lợi ích kinh tế lớn, do vậy, sâm đất được coi là một trong những “củ vàng” của người dân nơi đây.
Cây sâm đất có 2 loại rễ chính: rễ sinh trưởng và rễ tích trữ. Phần rễ sinh trưởng mọc ngay dưới bề mặt đất. Phần rễ tích trữ hay còn được gọi là phần củ sâm đất – phần quan trọng nhất của cây, ăn được trực tiếp. Toàn cây sâm đất đều có thể dùng làm vị thuốc, bao gồm cả lá, thân và củ nhưng phần củ vẫn là thông dụng nhất.
Dân gian thường lấy củ sâm đất ngâm rượu uống, lá nấu canh ăn giúp giải nhiệt cơ thể, làm mát gan.
Dù không có giá trị cao bằng nhân sâm nhưng với nhiều công dụng như lợi tiểu, giải nhiệt, nhuận tràng, chống ung thư và nhiều cách chế biến bổ dưỡng như nước ép, hầm xương, làm gỏi thì còn chần chừ gì nữa mà không để GhienNauAn mách bạn những cách bảo quản sâm đất hiệu quả nhất.
2 Cách chọn và xử lý Sâm Đất tươi
2.1 Cách chọn sâm đất tươi
Chọn những củ to, củ già, còn tươi, không bị giập (Củ già sẽ có những vết nứt)

2.2 Cách xử lý sâm đất tươi trước khi bảo quản
Bước 1: Rửa sạch sâm đất
Sau khi mua về, bạn đem ngâm trong thau nước khoảng 10 – 15 phút loại bỏ bớt lớp đất bám trên sâm, có thể dùng bàn chải chà nhẹ ở từng ngách nhỏ của củ sâm.
Bước 2: Cắt củ sâm tùy theo mục đích sử dụng
Đối với củ sâm đất ngâm rượu: cắt bỏ phần núm đầu và giữ nguyên củ.
Đối với sâm đất ăn sống: bào vỏ, cắt miếng vừa ăn.
(Lưu ý: chỉ khi dùng mới rửa sạch, gọt vỏ và cắt khúc tùy ý, tránh để củ sâm bị xước sẽ tiết ra chất saponin màu đen.)
Đối với các mục đích khác như hầm xương, làm nước ép, … thì cắt bỏ phần núm đầu, gọt vỏ, thái củ sâm thành những khúc nhỏ theo chiều ngang
3. Cách bảo quản Sâm Đất tươi
3.1 Bảo quản nơi khô ráo
Sâm đất khá giống khoai lang nên bảo quản rất dễ dàng, chỉ cần để nơi khô ráo, thoáng mát là có thể bảo quản 1 – 2 tháng.
3.2 Ngâm sâm tươi với rượu
Sau khi rửa sạch bằng nước, có thể tráng qua một lượt với rượu và để ráo rồi mới đem ngâm rượu vì nếu củ sâm đất dính nước, sau khi cho vào ngâm rượu sẽ làm hỏng rượu, làm mất chất hoặc biến vị khác.

Sau khi sâm đã khô sẽ xếp vào bình theo chiều thẳng đứng, đầu xuống dưới và thân lên trên
Đổ rượu ngập bình rồi đậy nắp lại và bảo quản ở nơi thoáng mát, khô ráo và sạch sẽ. (3 – 6 tháng là có thể lấy ra sử dụng). Có thể ngâm lại 2 – 3 lượt rượu nữa trước khi bỏ đi.
3.3 Bảo quản sâm tươi bằng cách sấy khô hoặc rang
Sau khi sơ chế sâm tươi xong, bạn đem đi sấy khô ở nhiệt độ 40 – 70 độ C. Tiếp đến đặt sâm vào túi zip hoặc hũ thủy tinh có gói hút ẩm rồi đậy kín nắp.
Mỗi tháng nên thay gói hút ẩm 1 lần để tránh tình trạng ẩm mốc. Cách làm này có thể bảo quản sâm trong vòng 10 – 14 tháng.
GhienNauAn khuyên bạn nên sử dụng sâm sấy khô trong thời gian này để các hợp chất trong sâm được sử dụng hiệu quả nhất.
Lưu ý: Tuyệt đối không nên sử dụng sâm khi bạn thấy có dấu hiệu hư hỏng, nấm mốc trắng.
4. Cách bảo quản Sâm Đất khô
4.1 Ngâm sâm đất khô với rượu
Củ sâm đất khô sau khi rửa sạch với nước cũng sẽ phơi khô để ráo nước. Thái thành từng lát mỏng độ dày khoảng 0.5 cm. Sau đó đem phơi 5 – 7 nắng.
Đem sâm đất đã phơi rang trên chảo đến khi chuyển màu và có mùi thơm tỏa ra (sao vàng sâm), sau đó bỏ ra ngoài để nguội.
Khi sâm đất đã nguội cho vào bình và đổ rượu vào. Với 1 kg sâm đất khô có thể ngâm cùng 20 lít rượu. Ngoài ra, bạn có thể ngâm kết hợp cùng với sâm cau.
4.2 Bảo quản kín trong tủ lạnh
Sâm khô mua về đem thái thành những lát mỏng. Sau đó bỏ vào trong túi, hộp đựng thực phẩm đậy kín nắp rồi đem bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. (Tránh để sâm khô gần với các loại thực phẩm tươi như thịt, cá vì sẽ làm ảnh hưởng đến vị của sâm)
4.3 Bảo quản nơi khô ráo
Rang 1 lượng gạo vừa đủ trên chảo nóng trong khoảng 3 – 5 phút rồi để nguội. Sau đó cho gạp rang vào 1 túi vải nhỏ rồi đem túi để trong hộp đựng sâm khô, đậy kín nắp. Gạo rang có tính hút ẩm mạnh, giúp ngăn ngừa tình trạng ẩm mốc và xua đuổi côn trùng hiệu quả.
5. Lưu ý khi sử dụng khoai sâm
Sâm đất mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe thế nhưng cần chú ý liều lượng sử dụng. Sử dụng không đúng cách hay quá thường xuyên trong thời gian dài sẽ dẫn tới ngộ độc cơ thể với các triệu chứng như: buồn nôn, toát mồ hôi, tiêu chảy, mất ngủ, nổi mề đay, dễ kích động.
Phụ nữ đang mang thai không sử dụng củ sâm đất vì thành phần dinh dưỡng không phù hợp với thai nhi
Không tự ý áp dụng những bài thuốc kết hợp cùng củ sâm đất mà hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc thầy thuốc đông y
Ghiền Nấu Ăn đã chia sẻ cho bạn những kiến thức thú vị về sâm đất hay Hoàng Sin Cô – một loài sâm bổ dưỡng mà giá cả lại rất phải chăng. Hãy cùng gia đình mình chế biến các món ngon đúng bài, sử dụng đúng liều lượng và bảo quản sâm đúng cách để giữ được hiệu quả lâu nhất nhé! Chúc các bạn thành công!